Cách tính giá trị vốn hóa thị trường

Vốn hóa thị trường là một trong những chỉ số quan trọng trong tài chính. Vậy chỉ số này được tính như thế nào và có ý nghĩa ra sao trong đầu tư? Cùng tìm hiểu ngay nhé!

Vốn hóa thị trường là giá thị trường của vốn chủ sở hữu doanh nghiệp, được tính bằng tổng giá trị thị trường của toàn bộ số cổ phiếu mà doanh nghiệp phát hành ở một thời điểm. Lưu ý rằng giá trị vốn hoá thị trường chỉ tính trên các cổ phiếu phổ thông, không tính cổ phiếu ưu đãi. Chỉ cổ phiếu phổ thông mới đem lại cho người sở hữu quyền tham gia điều hành doanh nghiệp.

Công thức tính vốn hóa thị trường

Công thức tính giá trị vốn hóa thị trường như sau:

Vốn hóa thị trường = giá cổ phiếu x khối lượng cổ phiếu

Lấy ví dụ cổ phiếu của Thế giới Di động, mã MWG.

giá trị vốn hóa thị trường của MWG
Thông tin mã cổ phiếu MWG (Vietstock)

Trên hình, ta có thể thấy giá mỗi cổ phiếu MWG hiện tại là 128.900 VNĐ (được gạch bởi đường màu đen)

Khối lượng cổ phiếu (KLCP) lưu hành: 712.905.762 cổ phiếu (được gạch bởi đường màu tím)

Vốn hóa thị trường (theo công thức) = 128900 x 712905762 ~ 91,8 nghìn tỷ đồng VNĐ

So sánh với giá trị vốn hóa trên ảnh (được gạch bởi đường màu đỏ), ta thấy hai giá trị này tương đương nhau.

Các website chứng khoán hiện nay đều ghi sẵn giá trị vốn hóa. Tuy nhiên, giá trị này có thể có sự sai khác nhỏ giữa các website.

Tính đến hết tháng 6/2021 vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 6.838 nghìn tỷ, tăng gần 30% so với cuối năm 2020. Thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường tăng mạnh thứ 2 thế giới. 

Cách phân chia các nhóm cổ phiếu dựa trên vốn hóa thị trường ở Việt Nam

Một cách tương đối, có thể phân loại doanh nghiệp theo giá trị vốn hóa thị trường như sau:

  • Vốn hóa lớn (Large cap): > 10.000 tỷ VNĐ
  • Vốn hóa trung bình (Mid cap): 1.000 tỷ VNĐ <  Vốn hóa < 10.000 tỷ VNĐ.
  • Vốn hóa nhỏ (Small cap): 100 tỷ VNĐ < Vốn hóa < 1.000 tỷ VNĐ.
  • Vốn hóa siêu nhỏ (Micro Cap): Vốn hóa < 100 tỷ VNĐ.

Cụm từ “blue chip” mà bạn thường nghe “người trong giới” nhắc đến tương đương với các doanh nghiệp có quy mô từ Large Cap trở lên (thị trường thế giới còn có nhóm Mega cap dành cho các doanh nghiệp khổng lồ với mức vốn hóa trên 200 tỷ USD). Cổ phiếu của các doanh nghiệp Micro cap thì được gọi là penny stock, bất kể giá cổ phiếu của chúng như thế nào.

Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) cũng xây dựng các rổ cổ phiếu dựa vào vốn hóa thị trường cụ thể nhằm đa dạng sự lựa chọn cho nhà đầu tư:

  • VN30: Là chỉ số vốn hóa đo lường sự tăng trưởng 30 công ty có vốn hóa thị trường và thanh khoản lớn nhất thị trường, nhóm VN30 chiếm tầm 70% giá trị toàn thị trường.
  • VNMidcap: Là chỉ số vốn hóa đo lường sự tăng trưởng của 70 công ty vốn hóa cỡ vừa của ở Việt Nam.
  • VN100: Là sự kết hợp 100 công ty gồm 30 công ty ở nhóm VN30 và 70 công ty nhóm VNMidcap.
  • VNSmallcap: Thiết kế để đo lường sự tăng trưởng quy mô ở những công ty nhỏ.

Top 10 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất Việt Nam hiện nay là: 

Top 10 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường cao nhất hiện nay (số liệu từ TradingView)

Như hình trên ta thấy, công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất là VCB (Vietcombank), đứng thứ hai là VHM (Vinhomes) và thứ ba là VIC (Vingroup). Trong đó vào đầu tháng 10 GAS (PV Gas) vừa có mức tăng vượt bậc, vượt mặt VNM ghi tên vào top 5.

Vai trò của vốn hóa thị trường

Vốn hóa thị trường là thứ rất dễ tính toán và hiệu quả để đánh giá thước đo rủi ro từng doanh nghiệp. Những công ty có vốn hóa càng cao thì rủi ro có xu hướng thấp hơn và ngược lại. Do đó, các quỹ và nhà đầu tư sẽ đề ra biện pháp để đa dạng hóa danh mục sao cho tối ưu và mang lại lợi nhuận cao, trong mức rủi ro chấp nhận. Quy mô và tốc độ tăng của giá trị vốn hoá thị trường còn là thước đo vô cùng quan trọng để đánh giá thành công hay thất bại của một doanh nghiệp niêm yết công khai.

Tuy vậy giá trị vốn hoá thị trường còn có thể tăng giảm do một số nguyên nhân ko liên quan gì đến kết quả hoạt động, ví dụ như việc mua lại một doanh nghiệp khác, bán bớt một số bộ phận của tập đoàn, hay mua lại chính cổ phiếu của mình trên thị trường chứng khoán. Giá trị vốn hoá thị trường phản ánh giá cổ phiếu của một công ty, trong khi giá này có thể thay đổi theo kỳ vọng của các nhà đầu tư, vì vậy chỉ số này không phản ánh hoàn toàn chính xác giá trị thực sự của doanh nghiệp đó.

Tìm hiểu thêm các bài viết khác của LiveTrade:

Bài viết liên quan

Bình luận

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết nổi bật

VI
Scroll to Top